Thép giảm giá giữa mùa xây dựng

Mặc dù thời điểm hiện tại đang là mùa xây dựng và giá thép đã giảm hơn 3 triệu đồng/tấn so với mức đỉnh được thiết lập từ giữa tháng 4/2010 nhưng sức tiêu thụ vẫn rất yếu ớt. Từ đầu tháng 6/2010 đến nay, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã hai lần nhận được thông báo giảm giá thép của các đơn vị hội viên với mức giảm từ 300.000- 600.000 đồng/tấn. 

Hiện, giá bán thép tại các nhà máy (chưa bao gồm 10% thuế VAT) chỉ còn 11,71 - 12,36 triệu đồng/tấn (thép cuộn) và 12,19 -13,15 triệu đồng/tấn (thép thanh).

Nhận định về giá thép trong thời gian vừa qua, VSA cho rằng, do sức tiêu thụ quá “ì ạch” nên các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, thậm chí có một số đơn vị còn chấp nhận tăng mức chiết khấu từ 200.000 - 350.000 đồng/tấn để bán tháo lượng thép tồn kho đã khiến cho giá thép càng giảm thêm.

Bên cạnh đó, giá phôi trên thế giới đang giảm mạnh. Tại thị trường Việt Nam, giá chào bán phôi thép dao động từ 550 - 590 USD/tấn CFR (giá thành và cước phí vận chuyển đến nơi giao hàng), giảm từ 80 - 110 USD/tấn. Giá chào bán thép phế loại HMS 1/2 80:20 hiện ở mức 360 - 380 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn so với tháng 4/2010, loại thép phế rời, giá chào là 410 - 420USD/tấn nhập khẩu từ thị trường Đông Nam á.

Các loại nguyên liệu khác như quặng sắt, than cốc, than mỡ trên thị trường thế giới cũng đang giảm hoặc đứng giá. Nguyên nhân chính dẫn đến giá nguyên liệu giảm là do nhu cầu thấp, sản phẩm thép tiêu thụ chậm, các nhà máy đang vận hành dưới công suất thiết kế, trong khi nguồn cung dồi dào.

VSA cho biết, trong tháng 5, sản lượng sản xuất thép xây dựng của các công ty thép trong Hiệp hội đạt 355.213 tấn, giảm 13,42% so với tháng 4, và giảm 9,44% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó, tiêu thụ thép chỉ đạt 283.658 tấn, giảm 5,19% so với tháng 4, nhưng giảm tới 20,09% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2010, mức sản xuất của toàn Hiệp hội là 1.930.343 tấn, tăng 28,83% so với năm 2009 nhưng mức tiêu thụ chỉ đạt 1.807.751 tấn, tăng 14,69%. Lượng tồn kho tính đến 31/5 của các công ty trong Hiệp hội Thép lên tới 371.978 tấn thép thành phẩm và lượng phôi thép là 490.000 tấn, đủ nguyên liệu để sản xuất cho tất cả các nhà máy trong tháng 6 và có thể gối đầu nguyên liệu cho cả quý 3/2010.

Sự “nóng- lạnh” thất thường của giá thép trong một vài năm gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là việc đầu tư tràn lan các dự án thép, cho dù điều này đã được các bộ, ngành và VSA cảnh báo từ lâu.

Đặc biệt, các dự án thép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đầu tư trong nước đăng ký và triển khai ồ ạt. Theo VSA, ngoại trừ một số dự án FDI đầu tư bài bản, từ luyện phôi (bằng phế liệu thép, hoặc quặng sắt) đến ra thành phẩm, còn lại các dự án của doanh nghiệp trong nước hầu hết chỉ đầu tư ở khâu nhập phôi cán ra thành phẩm.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư rất manh mún, công suất nhỏ, nhập khẩu chủ yếu công nghệ cũ mà nhiều nước trên thế giới đã không còn sử dụng, nên sản phẩm thép sản xuất ra giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Không chỉ đầu tư công nghệ lạc hậu, việc đầu tư không theo quy hoạch cũng góp phần làm sản phẩm thép gặp khó.

Trong khi, để xây dựng một dự án thép thì việc phải tính đến sự đồng bộ của hạ tầng như giao thông - vận tải, thị trường tiêu thụ, các nguyên liệu đầu vào là rất cần thiết và nếu không tính toán đủ các điều kiện trên, giá thành sản phẩm sẽ cao, thua thiệt trong cạnh tranh là điều tất yếu.

Theo tính toán, năm 2010, nhu cầu thép xây dựng khoảng 5,5 triệu tấn, nhưng công suất đã lên tới 7,8 triệu tấn, như vậy cung đang vượt xa cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đầu tư cán thép, bỏ ngoài tai các khuyến nghị về tình trạng dư thừa.

VAS cho biết, mặc dù các nhà đầu tư vào sản xuất thép tại Việt Nam đều cam kết sẽ xuất khẩu sản phẩm, nhưng thực tế cho thấy việc xuất khẩu thép không dễ. Nhiều thị trường của Tông công ty Thép Việt Nam ở nước ngoài phải chấp nhận bán sản phẩm hòa vốn để giữ thị phần.

Có thể khẳng định, với tốc độ đầu tư cho ngành thép như hiện nay đang gây lãng phí lớn về tiền của và đất đai, hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, đã đến lúc cần siết chặt việc thực hiện đúng quy hoạch ngành thép để tránh lãng phí. Đối với những dự án không đủ điều kiện phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu, thiếu điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải thì địa phương phải chỉnh sửa lại, thậm chí rút giấy phép để không cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác.

< Trở lại