Vật liệu xây không nung - Những vướng mắc, tồn tại và giải pháp

Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên đề do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với CTCP Tổ chức Triển lãm Quốc tế xây dựng Vietbuild tổ chức chiều 15/3, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2017 lần thứ nhất đang diễn ra tại TP. Hà Nội từ ngày 15-19/3/2017.
 

Hội thảo có sự tham dự của ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; ông Trần Văn Huynh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch danh dự Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Ths. Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) và đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị 567 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Đồng thời khẳng định Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 567 của Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất các vật liệu xây không nung thân thiện với môi trường.

Báo cáo tại Hội thảo, ThS. Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, qua điều tra, khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch xi măng đã từng bước tăng trên phạm vi toàn quốc; nhiều nhà máy đã huy động được từ 80 đến gần 100% công suất thiết kế. Cụ thể, năm 2016, thống kê cho thấy, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất gạch bê tông là 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), tổng sản lượng năm 2016 đạt 5,6 tỷ viên QTC, bằng 93% tổng công suất thiết kế, lượng tiêu thụ đạt khoảng  5,2 tỉ viên QTC.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung (VLXKN) nói chung còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất không đạt công suất thiết kế. Đặc biệt với sản phẩm gạch nhẹ công suất huy động của toàn ngành còn thấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng công suất thiết kế ở lĩnh vực này là khoảng 1 tỷ viên QTC, trong khi đó, lượng sản xuất năm 2016 mới chỉ đạt 750m3 (tương đương 0,52 tỷ viên QTC), bằng 52% tổng công suất thiết kế và lượng tiêu thụ đạt khoảng 700m3 (tương đương 0,5 tỷ viên QTC).

Đề cập đến nguyên nhân của thực trạng trên, ông Phạm Văn Bắc đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về công tác quản lý, về đào tạo, thị trường... Cụ thể:

Về cơ chế chính sách: Theo ông Bắc, nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư đưa ra chưa cụ thể nên khi áp dụng ở nhiều địa phương thì không thực hiện được; các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Một số chỉ tiêu trong các Tiêu chuẩn của sản phẩm VLXKN còn chưa phù hợp với thực tế, cần phải soát xét bổ sung, hoàn thiện; định mức xây dựng sử dụng VLXKN còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế...

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình phát triển VLXKN, việc triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Chính phủ và các bộ, ngành chưa nghiêm túc; công tác thanh, kiểm tra, giám sát còn hạn chế....

Về phía các doanh nghiệp, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ; dây chuyền sản xuất còn thiếu đồng bộ... cá biệt có doanh nghiệp còn sản xuất ra sản phẩm chưa đảm bảo kỹ thuật, không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn đưa ra tiêu thụ trên thị trường, gây tác động tiêu cực trong dư luận về VLXKN.

Về thị trường tiêu thụ: Hiện trên thị trường, sản phẩm VLXKN bị cạnh tranh khốc liệt bởi sản phẩm gạch đất sét nung vẫn sản xuất tràn lan, giá thành thấp...

Với vai trò đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, ThS. Phạm Văn Bắc đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sử dụng gạch không nung trong thời gian tới, cụ thể như: Cần chỉnh sửa Thông tư 09 cho phù hợp với từng vùng miền; Đề xuất tăng mức độ xử phạt khi vi phạm các quy định việc sử dụng VLXKN sai quy định; Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch... Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về những lợi ích của việc sử dụng VLXKN và hướng dẫn sử dụng sản phẩm... Các doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, khắc phục nhược điểm, khuyết tật trong quá trình sản xuất VLXKN; nghiên cứu đa dạng mẫu mã sản phẩm, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm...

Sau báo cáo trình bày của ThS.Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày 06 báo cáo chuyên đề về các chủ đề như: Công nghệ tiên tiến cho mái nhà bền đẹp; Các sự cố thường gặp trong thi công bằng gạch bê tông - Nguyên nhân và các giải pháp khắc phục; Giải pháp ứng dụng sản phẩm vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình; Giới thiệu các công nghệ và thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung...

< Trở lại